Chuyện cổ tích của Ngũ long công chúa xinh đẹp


Từ những đứa con trong một gia đình bị phá sản trở thành những người chủ, 5 chị em đã chứng minh cho thấy nghịch cảnh chỉ làm con người ta lớn lên.

Chuyện cổ tích của Ngũ long công chúa xinh đẹp

Đến khu người Việt gốc Hoa ở Q.5 (TP.HCM), hỏi về “Ngũ long công chúa nhà họ Pang” hẳn nhiều người sẽ tận tình chỉ đường sang trung tâm dạy nghề Kelly Pang của năm chị em. Không phải vì cô chị cả là Ủy viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Q.5 hay cô em út từng là một trong mười công dân trẻ tiêu biểu của thành phố nên nhiều người biết đến, mà vì câu chuyện của năm chị em đã được truyền miệng như một bài học về tình thân gia đình chính là động lực thành công.

Chúng tôi hẹn gặp “Ngũ long công chúa” tại văn phòng làm việc của người chị cả Pang Mỹ Linh. Đến nơi, thật ngạc nhiên bởi lối bày trí chỉ có hai màu sắc chủ đạo: màu đỏ của những bằng khen, chứng nhận từ Thành Đoàn đến quốc gia và quốc tế, cùng màu tím của bộ đồng phục thương hiệu Kelly Pang. Mỹ Linh cười khi lý giải về màu sắc rất lãng mạn và nữ tính này: “Năm chị em đều thích màu tím cả nên quyết định chọn màu này làm chủ đạo cho kinh doanh. Có lẽ máu nghệ sĩ thấm vào người rồi…”.

Gọi năm chị em là nghệ sĩ cũng không sai, khi hai cô chị lớn Mỹ Linh – Mỹ Hạnh từng là cặp song ca chủ lực một thời của Câu lạc bộ Giai điệu xanh (Nhà Văn hóa Thanh niên), còn cô em út Mỹ Nguyên từ nhỏ đã có khiếu hội họa và tài hoa trong từng nét cọ vẽ. Thế nên, câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ một vấn đề chẳng mấy liên quan đến công việc kinh doanh của Kelly Pang, đó là thiên hướng nghệ thuật của các cô gái họ Pang.

 

Mỹ Linh

Chuyện cổ tích viết ngược

Cô chị cả Mỹ Linh nhớ lại những ngày 16 tuổi, lúc gia đình gặp biến cố đầu tiên vì công việc kinh doanh của ba má bị phá sản: “Khi ấy, chính lời ca tiếng hát đã giúp tôi vô tư sống tiếp và phụ giúp gia đình, hình thành một phần tính cách chịu thương, chịu khó”. Từng có thời, chị em nhà Pang đi qua chơi bất kỳ nhà nào trong xóm cũng đều được mọi người cưng chiều, nể nang nhưng chớp mắt, tất cả gia sản phải bán tống bán tháo để trả nợ kinh doanh thua lỗ. Từ một cô tiểu thư quen nhà cao cửa rộng phải từ bỏ chốn sang giàu, đi bán bánh bao rồi phục vụ bàn trong quán hủ tíu của ba má, Mỹ Linh như một cô công chúa trở về với đời sống Lọ Lem.

Ước mơ thi vào Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn cùng Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh của Mỹ Linh cũng đành tạm gác sang một bên, bởi nỗi lo canh cánh trong lòng: “Mình là chị lớn trong nhà, phải đỡ đần ba má, vả lại còn đàn em nhỏ…”. Nhưng chưa bao giờ, cô nghĩ đó là một sự hy sinh. Đến tận giờ, trong ánh mắt của người chị cả vẫn hiện lên niềm vui khi nhắc về chuyện cũ, kèm câu nói chắc nịch: “Chưa bao giờ hối hận. Biết đâu nhờ biến cố ấy mà đời Linh rẽ sang hướng khác”.

Mỹ Linh lý giải có lẽ nhờ sinh hoạt trong đội ca ở nhà thiếu nhi từ nhỏ, rồi lớn lại tham gia Câu lạc bộ Giai điệu xanh đi lưu diễn tình nguyện ở những cô nhi viện, viện dưỡng lão… nên tự biết bằng lòng với cuộc sống. Linh vẫn nhớ rõ những chuyến đi cùng đoàn du khảo đạp xe ra biển đảo Phú Quốc, hát giữa đêm không điện, không đèn, không cả micro, nhưng cô vẫn cảm thấy cuộc đời đẹp sao vì có âm nhạc đồng hành.Cũng từ những kinh nghiệm sân khấu mà Mỹ Linh đã quen với việc trang điểm và rất hứng thú làm công việc này, theo cách nói của cô: “Con gái mà, ai chẳng thích làm đẹp và làm điệu” (cười). Thế nên, cô chị cả quyết định mở một cửa tiệm nhỏ chuyên về trang điểm, làm tóc và chăm sóc móng vào năm 2003 để kiếm thêm thu nhập bên cạnh quán hủ tíu của ba má. Thời ấy, nghề làm móng ở Việt Nam chỉ gói gọn trong việc cắt da, sơn móng và hình ảnh của người thợ cũng không được đánh giá cao. Cùng năm đó, khi có dịp sang Thái Lan, nơi nghề vẽ móng nghệ thuật đang rất thịnh hành, Mỹ Linh quyết tâm thay đổi nhận thức của mọi người bằng việc phát triển tiệm nhỏ thành một trung tâm đào tạo nghề chăm sóc móng chuyên nghiệp.

Với giải Nhất Trang trí móng tay của Nhà Văn hóa Phụ nữ (8.3.2004), Mỹ Linh đã có cơ hội phát triển sâu rộng trong lĩnh vực này. Cô sang Nhật trau dồi thêm tay nghề vì đất nước này được đánh giá là chuyên nghiệp nhất về trang trí móng. Những chuyến đi này tạo điều kiện cho cô chủ Kelly Pang lọt vào Top 10 Nail châu Á tổ chức tại Osaka (Nhật) vào năm 2007. Liên tiếp các năm sau đó, những cúp vàng giải Nhất Cuộc thi Nail châu Á tại Malaysia năm 2008 và Singapore năm 2009 đều nằm gọn trong tủ kính văn phòng của Kelly Pang.

Từ một nghề ban đầu để kiếm sống, các chị em từng bước khai phá những tiềm năng bỏ ngỏ trong lĩnh vực này tại Việt Nam để nâng tầm nó thành một ngành nghệ thuật. Hình ảnh cắt da, sơn móng đơn thuần đã trở thành một môn hội họa đầy sáng tạo, bằng chứng là cô em út Mỹ Nguyên đã nghĩ ra ý tưởng vẽ trang trí móng bằng kỹ thuật 3D sống động như ảnh chụp hoặc hình vẽ hoạt họa có màu sắc rõ nét như in màu trên tay.

 

5 chị em nhà họ Pang rất thích chụp hình

Trên hết, Mỹ Linh đã gầy dựng được một cơ ngơi cho chị em cùng san sẻ, đỡ đần. Ban đầu, chỉ có một mình chị cả theo nghề này, rồi dần dà, Lệ Thanh, Mỹ Hạnh lớn lên cũng chung tay phụ giúp và sau này là Lệ Phối, Mỹ Nguyên… mỗi người một vẻ để cùng hoàn thiện công việc kinh doanh. Mỹ Linh hay nói với má rằng: “Má đẻ 5 đứa con gái mỗi người một tính, cứ tưởng bất đồng quan điểm sẽ khó làm việc chung, ai dè lại bổ trợ được cho nhau”.

Lệ Thanh cũng cho rằng chính vì mỗi người một sở trường, phong cách khác nhau nên không lo bị chồng chéo công việc. “Chị Linh lo về nhân sự, ngoại giao và marketing (tiếp thị), Mỹ Nguyên khéo tay vẽ đẹp nhất nên đảm nhận khâu mỹ thuật, Mỹ Hạnh, Lệ Phối chia nhau công tác quản lý trung tâm dạy nghề và viện chăm sóc móng. Còn mình phụ trách tài chính”. Việc nhiều đến mấy nhưng hễ khi rảnh rỗi, năm chị em “bà chủ” này lại dẫn nhau đi hát karaoke và tranh giành micro như một sở thích thời niên thiếu, dẫu bây giờ cô chị cả cũng đã là má của hai con nhỏ và cô em út đang chuẩn bị kết hôn.

Mỹ Linh: Nếu có tranh luận, mời má vào giải quyết!

Năm chị em làm kinh doanh chung, chị không sợ tình cảm chị em sứt mẻ mỗi khi bất đồng quan điểm sao?

Ngay từ nhỏ, má đã cho 5 chị em ngủ chung một mùng nên tình chị em lúc nào cũng gắn bó, khắng khít. Đến khi gia đình gặp biến cố, niềm vui lại càng đặc biệt hơn, bây giờ mỗi lần nhớ lại đều thấy hạnh phúc. Bạn bè kinh doanh hục hặc có thể không nhìn mặt nhau nhưng với chị em dù giận nhau cũng không thể quá một ngày, chỉ cần ngồi xuống ăn chung bữa cơm gia đình là bao mâu thuẫn mất hết.

Dĩ nhiên trong công việc, mỗi người đều có sở trường riêng để phân bố trách nhiệm hợp lý. Ai cũng sẽ nêu chính kiến nên đôi lúc cần tranh luận, bảo vệ lập trường. Nhưng may mắn là nếu năm chị em không tìm được sự đồng thuận thì luôn có một “cán cân” công bằng nhất là mời má vô phân xử (cười).

Ngày xưa má có ngăn cản khi thấy chị dấn thân theo nghề làm móng?

Má luôn là người vun đắp nên tính cách của năm chị em và hướng chúng tôi đi theo con đường đúng dù ngay trong hoàn cảnh khó khăn. Đúng là hơn mười năm trước, nhiều người vẫn giữ cái nhìn định kiến về “nghề làm móng”, thậm chí chê trách, ngăn cản, nhưng tôi quan niệm đường chưa ai đi thì mình mới cần phải khai phá. Khi ra nước ngoài tiếp xúc với ngành trang trí móng chuyên nghiệp, tôi mới thấy có rất nhiều cơ hội phát triển ở lĩnh vực này.

Mỹ Linh (thứ 2 từ trái qua) nhận giải Nhất Nail châu Á 2008 tại Malaysia.

Từ một tiệm nhỏ chị phát triển thành cả hệ thống dạy nghề và trung tâm thẩm mỹ. Làm doanh nhân có khác làm một ca sĩ thuở thiếu thời?

Đừng gọi tôi là doanh nhân. Tôi nghĩ mình chỉ thích hợp ở vai trò một người thầy truyền nghề cho những ai muốn gắn bó với công việc này nhằm ổn định cuộc sống. Hơn nữa, tôi không bận tâm về danh xưng “doanh nhân”, càng không nghĩ mình thành đạt, mà mối quan tâm duy nhất là làm sao cho học viên có công việc ổn định nhờ bảo chứng uy tín từ thương hiệu Kelly Pang.

 

Bộ móng vẽ 3D

Chị có nghĩ mình đang quá tham vọng, vì để đưa một trung tâm dạy nghề thành thương hiệu bảo chứng cho cả nghề làm móng tại Việt Nam có vẻ hơi… xa vời?

Có một kỷ niệm vui thế này. Tôi và em út Mỹ Nguyên hai năm liên tiếp đều tham dự Cuộc thi Nail châu Á tại Malaysia và Singapore. Tôi đoạt giải Nhất năm 2008, còn Mỹ Nguyên giải Nhất năm 2009. Năm tôi thi, có một nghệ nhân làm móng người Úc đoạt giải Ba, đến năm Mỹ Nguyên đoạt giải, cô ấy lại tham dự tiếp và đoạt giải Nhì. Sau khi biết Mỹ Nguyên là em của người thắng cuộc năm ngoái, cô người Úc đùa bảo: “Năm sau, đại diện Việt Nam đừng dự thi nữa thì các thí sinh nước khác mới có cơ hội giành giải cao nhất”. Chúng tôi nhận ra trên trường quốc tế, người Việt mình rất có năng khiếu thẩm mỹ trong lĩnh vực này. Thế nên, tôi không cho rằng mình quá tham vọng.

 

Bộ móng vẽ lại chân dung những người trong gia đình họ Pang

Nghe nói học viên tại Kelly Pang có cả những cô gái bị khuyết tật và các mảnh đời kém may mắn?

Khởi nghiệp của năm chị em từ khó khăn, nhờ cưu mang nhau mới có cơ ngơi này nên cả nhà luôn muốn san sẻ với các hoàn cảnh bất hạnh. Hiện nay đã có hơn 80 người có hoàn cảnh khó khăn đến học nghề tại đây, nhiều bạn sau khi thành tài đã chọn ở lại và phát triển nghề lâu dài với trung tâm.

Cảm ơn các chị đã chia sẻ.

Gia đình họ Pang có bảy chị em, trong đó năm chị em gái lần lượt gồm Pang Mỹ Linh, Pang Lệ Thanh, Pang Mỹ Hạnh, Pang Lệ Phối, Pang Mỹ Nguyên. Hiện nay, năm chị em đang cùng điều hành trung tâm đào tạo nghề về chăm sóc móng chuyên nghiệp Kelly Pang. Hệ thống hiện có ba trung tâm dạy nghề và một thẩm mỹ viện chuyên vẽ trang trí móng.

 

Mỹ Linh (sinh năm 1980) (ảnh) từng đoạt giải Nhất Cuộc thi trang trí móng tay tại Nhà Văn hóa Phụ nữ năm 2004, giải Topten Nail châu Á 2007 tại Osaka (Nhật), giải Nhất Nail châu Á 2008 tại Malaysia. Cô em gái Mỹ Nguyên (sinh năm 1987) cũng đoạt giải Nhất Nail châu Á 2009 tại Singrapore, bằng khen Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM 2009 và 2011, chứng nhận Người thợ trẻ giỏi toàn quốc 2011.

 

 

Mỹ Nguyên: Không chỉ học nghề, mà là tìm đến một môn nghệ thuật!

Nghe các chị kể từ nhỏ, Mỹ Nguyên đã khéo tay thích vẽ, sao chị không chọn học kiến trúc, mỹ thuật… mà lại đi theo nghề làm móng?

Từ bé, cứ đọc truyện tranh xong tôi lại hý hoáy vẽ y chang. Khi tốt nghiệp lớp 12, các chị định hướng giúp tôi nhiều con đường để lựa chọn, trong đó có việc trở thành nhà thiết kế hoặc thi vào Đại học Kiến trúc. Nhưng rốt cuộc, tôi quyết định theo nghề của chị Mỹ Linh, chị cũng là người hướng dẫn tôi những nét vẽ đầu tiên. Tôi nghĩ mình làm việc gì có sự động viên, hậu thuẫn của gia đình thì sẽ thành công hơn khi chọn con đường tự mình đi. Nhìn các mẫu vẽ trang trí trên móng tinh xảo của chị Linh rồi tôi sáng tạo, thiết kế thành nhiều kiểu dáng riêng, mới lạ. Mới đây, tôi cũng vừa tỉ mẫn ngồi vẽ thành công bộ móng hình ảnh 3D, có thể nói là tác phẩm đầu tiên tại Việt Nam.

Chị có nghĩ mình bị áp đặt theo lề lối gia đình và thích sự an toàn nên không dám vươn ra ngoài xã hội?

Đúng thật là con gái, lại thích vẽ vời, mơ mộng nên tôi rất đa cảm và cần cảm giác an toàn. Có điều khi ấy, tôi nhìn tấm gương thành công của chị Linh nên rất tự hào để theo con đường giống vậy chứ không phải áp đặt (cười).

Có bao giờ chị tiếc nuối vì không có một tấm bằng đại học đàng hoàng?

Từ khi cầm cây cọ vẽ đến nay đã chín năm nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ mình đã bỏ lỡ cơ hội nào. Vì mình còn trẻ nên có nhiều lựa chọn, cứ thành công ở đây rồi sau này chọn thêm ngành khác cũng đâu có muộn. Còn nhớ trong lần được tuyên dương là một trong 80 người thợ trẻ giỏi toàn quốc năm 2011, tôi đã vinh dự được gặp Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan để khẳng định quan điểm của người trẻ như mình là đúng. Phó Chủ tịch nước trong năm ấy cũng có nói: “Đại học không phải là con đường duy nhất đến thành công và học nghề không phải là sự lựa chọn cuối cùng”. Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là phải làm đúng theo sở trường và năng lực bản thân, chứ đừng chạy theo phong trào.

Dường như chị rất gắn bó với công tác đoàn hội và từng nhận nhiều bằng khen của thành phố, chị có nghĩ đến việc dừng giảng dạy làm móng để trở thành một công chức nhà nước?

Trung tâm Kelly Pang thường hỗ trợ các chương trình dành cho giới trẻ để hướng nghiệp hoặc dạy nghề nên tôi may mắn được Thành Đoàn và các tổ chức đoàn hội Quận 5 đề cử các giải thưởng. Chị em nhà Pang chỉ muốn giúp ích cho xã hội phần nào, chứ không cầu cạnh giải thưởng gì. Tôi yêu công việc hiện tại. Có lần, khi tôi đứng lớp, một người đàn ông tầm 30 tuổi đang kinh doanh áo thun chia sẻ, anh tìm đến nghề vẽ trang trí móng không chỉ học nghề, mà còn để hiểu về môn nghệ thuật này. Tôi thấy vui lắm, bởi những gì chị em mình làm đã được xã hội nhìn nhận thích đáng. Mọi người đến với nghề này không chỉ vì miếng cơm manh áo, mà là tìm đến sự cảm nhận tinh tế của nghệ thuật.

Mốt & Cuộc Sống